Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Thị trường nước ngọt có gas: Sủi ngầm

Nếu không có sự định vị rõ ràng, các doanh nghiệp Việt sẽ khó trở thành đối thủ của hai “đại gia” Pepsi và Coca-Cola trong “cuộc chiến” giành thị phần sản phẩm nước giải khát có gas.

Biết mình

Liên tục vài năm trở lại đây, thị trường nước ngọt có gas ( carbonated soft drink) dường như đang “nhường chỗ” cho các doanh nghiệp ngoại, điển hình là hai “đại gia” Pepsi và Coca-Cola.

Ngay cả một số doanh nghiệp nội đã có ít nhiều tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất nước giải khát cũng bắt đầu cuộc tháo chạy khỏi thị trường nước giải khát có gas, nhường sân cho những “người khổng lồ”.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp quay sang sản xuất dòng sản phẩm nước không gas, được nhiều tên tuổi trong lĩnh vực nước giải khát nội cân nhắc.

Cụ thể, cách đây 7 năm, từ kết quả nghiên cứu thị trường do Công ty CP Nước giải khát Tribeco cho thấy, thị trường nước giải khát không gas tăng 10%/năm trong khi sản lượng nước ngọt có gas tiếp tục sụt giảm 5%.

Điều này cũng đã lý giải vì sao sản phẩm nước giải khát không gas của Tribeco đang chiếm tỷ lệ quá bán trong tổng sản phẩm do Tribeco sản xuất cho đến thời điểm này, như sữa đậu nành, nước ép trái cây, trà xanh....

Không chỉ có Tribeco, “người đàn anh”, Công ty CP Nước giải khát Chương Dương, ngoài những sản phẩm truyền thống là xá xị và soda, cũng đã bắt đầu đa dạng hóa sản phẩm, với một loạt sản phẩm khác như: rượu nhẹ, nước tinh khiết, và các loại nước giải khát không gas.

Đi sau và được cho là thành công nhất không thể bỏ qua, là Tập đoàn Tân Hiệp Phát với sản phẩm Trà xanh O không độ, kế đến là sản phẩm Dr. Thanh từng “làm mưa làm gió trên thị trường”, đánh dấu sự lên ngôi của thị trường nước giải khát không gas nội địa, cũng như phân chia rõ phân khúc thị trường nước giải khát Việt.

Điểm qua các gian hàng trưng bày nước giải khát tại các hệ thống bán lẻ: cửa hàng tiện lợi, siêu thị Lotte, Co.opMart, Big C, Maximark... hay tại điểm bán sỉ như Metro, thị trường nước giải khát không gas nội vẫn luôn chiếm ưu thế, trong khi nước giải khát có gas vẫn dừng chân ở một số sản phẩm truyền thống của Tribeco như: cam, cola, chanh, xá xị và xoda; xá xị Chương Dương,...

Hiểu người?

Có thể nói, sự chuyển đổi xu hướng sản xuất đã phần nào thể hiện sự hiểu mình, hiểu người của các doanh nghiệp Việt. Theo đó, các doanh nghiệp Việt cũng đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường với các dòng sản phẩm nước giải khát không gas.

Theo tiết lộ của một đại diện Công ty CP Nước khoáng Vĩnh Hảo, sau thành công của dòng sản phẩm nước khoáng ngọt với hai vị chanh và cam, thời gian tới, Vĩnh Hảo sẽ đưa ra thị trường dòng sản phẩm vị cola.

Xét về tình hình thị trường, việc góp mặt thêm một hay nhiều dòng sản phẩm nước ngọt có gas (energy soft drink) sẽ tạo thêm tính cạnh tranh mới, đa dạng hóa sản phẩm. Suy cho cùng, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cách định vị, bởi sản phẩm đi sau, vốn dĩ sẽ mang ít nhiều yếu thế, đặc biệt là yếu tố xâm nhập thị trường.

Trong những năm gần đây, mặc dù cũng có mở rộng khai thác thêm những sản phẩm mới, song Chương Dương cũng đã dần nâng mức tín nhiệm với người tiêu dùng truyền thống bằng việc tập trung đầu tư củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, trong đó, tập trung nguồn lực cho thị trường chính có sức tiêu thụ lớn như TP.HCM, các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ, từng bước lấn sân ra miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc.

Chương Dương cũng đã thiết lập được trên 300 nhà phân phối với hàng ngàn điểm bán lẻ khắp toàn quốc.

Nói về thị trường nước giải khát có gas, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Quang Minh (BIDRICO), cho biết, suốt thời gian qua, thị trường nước giải khát luôn phải cạnh tranh khốc liệt để giành chỗ đứng. Do đó, chất lượng sản phẩm phải luôn là một trong những kim chỉ nam để đẩy mạnh sự phát triển của sản phẩm cũng như doanh nghiệp.

Ngay bản thân BIDRICO, năm 2009 cũng không ngừng tung ra các sản phẩm mới, đi kèm với quá trình thay đổi chiến lược sản xuất. Cụ thể, đầu tư thêm phân xưởng bao bì nhựa, tạo dây chuyền khép kín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tiếp đến là việc đầu tư 3 dây chuyền của Nhật để sản xuất nước ngọt có gas, nước đóng chai, trà xanh với kinh phí trên 2 triệu USD.

Điều này cho thấy, dù chú trọng phát triển các sản phẩm mới, song thị trường nước giải khát có gas vẫn không bị các doanh nghiệp nội lãng quên. Bởi vì theo các chuyên gia, nếu chọn giải pháp cạnh tranh không đối đầu, thì doanh nghiệp sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển sản phẩm ở các thị trường mới


PHAN LÊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét