Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Người lái “con tàu Bidrico”

Nhiều doanh nhân ở T.P Hồ Chí Minh cho biết, ông Hiến mang trong mình cốt cách và tâm hồn của một doanh nhân Việt Nam với Tầm – Tài – Trí – Đức, có những đóng góp trong việc phát huy bản sắc văn hoá truyền thống cũng như những đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước, vì vậy, năm 2011, ông vinh dự được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao tặng “Biểu tượng Rồng Vàng Doanh Nhân Hiền Tài”. Ngoài vinh dự cá nhân này, gia tộc Nguyễn Đặng của ông với 9 người là doanh nhân, luật sư cũng được Trung tâm Văn hoá Doanh nhân Việt Nam công nhận “Gia tộc doanh nhân” vì liên tục có mặt trên thương trường trong nhiều giai đoạn lịch sử để thúc đẩy sự phát triển đất nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là giao thương buôn bán, kinh doanh, với những nỗ lực không ngừng.

Trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập của một công ty chuyên sản xuất bao bì cách nay khoảng 9 năm, tôi gặp một doanh nhân khoảng 50 tuổi, nói giọng Quảng Trị cùng với gương mặt chất phác đã tạo cho tôi ấn tượng ban đầu rất đỗi gần gũi, đó chính là ông Nguyễn Đặng Hiến. Sau này khi cùng sinh hoạt chung trong CLB Những nhà doanh nghiệp Quảng Trị tại TP Hồ Chí Minh rồi đổi tên thành CLB Nghĩa Tình Quảng Trị mà ông Hiến là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ, tôi càng biết nhiều về ông hơn.



Ông Hiến quê ở làng Cổ Lũy, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng. Ngay từ nhỏ ông đã nhận thức được rằng để thoát khỏi cuộc sống khó khăn, con đường học vấn là con đường ngắn nhất. Miệt mài với nghiệp sách đèn, sau khi hết phổ thông, ông Hiến thi vào khoa Kinh tế, Trường Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn. Sau khi miền Nam được giải phóng, ông tiếp tục học đại học ngành Tài chính- Kế toán. Tháng 10/1978, ông chuyển sang công tác giảng dạy tại Trường Ngân hàng, thế nhưng cái “máu” kinh doanh trong ông đã thúc giục ông bước ra thương trường.

Ông Hiến kể lại, với số vốn tích lũy được sau nhiều năm kinh doanh nước đá, năm 1992, ông lập cơ sở sản xuất nước giải khát, nước ngọt không ga mang thương hiệu Bidrico với một cơ ngơi có diện tích sản xuất 600m2 và vẻn vẹn 26 công nhân. Thế mà chỉ trong vòng 1 năm, các sản phẩm của cơ sở đã có mặt ở hầu hết trên thị trường cả nước. Năm 1995, Bidrico của ông Hiến cho ra đời các sản phẩm nước ngọt có ga. Vào thời điểm đó, một số thương hiệu nổi tiếng của Mỹ bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam, hết Coca Cola, đến Pepsi Cola đòi hỏi Bidrico phải mở rộng mặt bằng sản xuất cũng như đầu tư nhiều hơn về con người, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và phát triển. Vậy là ông Hiến đã quyết định chuyển về đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh với diện tích mặt bằng là 3.500 m2. Sự chọn lựa nhạy bén này đã mang lại kết quả, giai đoạn từ 1995 – 2002, Bidrico có nhiều sự thay đổi lớn từ một vài sản phẩm ban đầu, Bidrico đã nắm trong tay một danh sách gồm tới trên 30 sản phẩm với nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng.

Thị trường nước giải khát ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe nhưng phong phú hơn, để có điều kiện tổ chức sản xuất, mở rộng ngành hàng và đảm bảo hơn nữa về chất lượng sản phẩm, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2003, Bidrico chuyển về khu công nghiệp Vĩnh Lộc thuộc huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Nhà máy bây giờ không còn tính bằng ngàn mét vuông nữa mà đã tăng vọt lên 15.000 m2. Từ đó Bidrico luôn đi tiên phong trong việc cho ra đời những dòng sản phẩm nước giải khát chất lượng và tốt cho sức khỏe, được người tiêu dùng trong cũng như ngoài nước tích cực đón nhận. Doanh thu của Bidrico tăng trưởng trung bình khoảng 25%/năm, đặc biệt, năm 2010 con số này đạt 48,2%. Hiện nay Bidrico đã sở hữu một nhà máy hiện đại, dây chuyền công nghệ tiên tiến, tiêu chuẩn với hơn 500 công nhân, trở thành mái nhà chung của phần lớn bà con người Quảng Trị.

Chung sống với các “đại gia” Coca- Cola và Pepsi, Bidrico không chọn lối đi cạnh tranh trực diện mà luôn coi nông thôn là hậu phương lớn, từ đó sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với thị trường nông thôn. Theo ông Hiến, nếu tấn công vào thành thị trước, Bidrico sẽ bị nghiền nát, hàng loạt các sản phẩm của Bidrico sẽ gặp khó khăn với những thương hiệu lớn. Với 75% dân số Việt Nam ở nông thôn nên hướng đi của Bidrico là phù hợp, nhờ thị trường nông thôn mà Bidrico đã tồn tại 20 năm và liên tục phát triển. Thì ra “lấy nông thôn…bao vây thành thị” là chiến lược của doanh nhân năng động này! Ông Hiến cho biết: “Chúng tôi không chủ trương cạnh tranh trực tiếp mà chọn thị trường quyết định trong sản phẩm để đột phá. Và phát triển sản phẩm mới chính là một trong những chiến lược trọng điểm của Bidrico”. Hiện Bidrico đang sở hữu 48 sản phẩm giải khát “hot” trên thị trường và không ngừng đầu tư thêm sản phẩm khác đáp ứng nhu cầu thưởng thức một sản phẩm ngon, chất lượng, mẫu mã năng động trẻ trung nhưng giá thành “mềm” gồm: Nước ngọt có ga, nước yến ngân nhĩ, trà xanh, rau câu, nước ép trái cây, nước uống tinh khiết, trà thảo dược Tam Thanh, nước tăng lực(energy drink) Red Tiger, nước tăng lực có ga, sữa chua tiệt trùng Yobi…



Mỗi lần đi siêu thị ở T.P Hồ Chí Minh hay đi công tác ở các tỉnh, thành phố, tôi thấy lòng mình lâng lâng niềm vui khi thấy các sản phẩm của Bidrico bày bán khắp nơi. Tìm hiểu tôi mới biết thêm rằng các sản phẩm thức uống có ga mang thương hiệu Bidrico đã được phân phối rộng khắp trên hơn 6.000 đại lý, 200 siêu thị, nhà hàng tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhưng đó chưa phải là tất cả, Bidrico đã chinh phục thị trường thế giới. Nếu như năm 2010, hàng của Bidrico mới chỉ xuất khẩu đi 6 nước thì sang năm 2012 con số này nâng lên 14 quốc gia, chiếm tới 20% sản lượng tiêu thụ hàng năm, trong đó Bidrico đã chinh phục được hai thị trường khổng lồ và khó tính là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ông Hiến cho biết, nước yến ngân nhĩ mang thương hiệu Bidrico là sản phẩm duy nhất của Việt Nam đạt 3 tiêu chuẩn FDA, FCE và SID do Hoa Kỳ cấp để được xuất khẩu vào Mỹ, thị trường khắt khe nhất thế giới. Công ty Thực phẩm quốc tế Mỹ, Inc (USFI) Hoa Kỳ, sau một thời gian dài khảo sát tại nhiều công ty sản xuất nước giải khát tại Việt Nam đã quyết định ký kết hợp đồng liên doanh với Bidrico để sản xuất nước giải khát cung cấp cho thị trường Mỹ trong thời gian tới. Ông Gary Place President, đại diện công ty này nói: “Điều đầu tiên chúng tôi chấp thuận để hợp tác, đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà máy của Bidrico là number one”. Ông Hiến cho biết nhãn hiệu Bidrico đã đăng kí bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Afghanistan. Tháng 4/2011, Hiệp hội Định hướng sáng kiến kinh doanh đã chính thức tổ chức lễ trao giải Ngôi Sao Quốc Tế về chất lượng dẫn đầu năm 2011 tại thủ đô Paris (Pháp) và Bidrico là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực nước giải khát nhận giải thưởng này. Bidrico cũng đã đoạt được Giải thưởng thương hiệu nổi tiếng ASEAN tại Lào, Giải thưởng Bạch kim chất lượng kỷ nguyên quốc tế của thế kỷ tại Genève – Thụy Sĩ…

Nhiều lần đi với ông xuống tham quan nhà máy, tôi mới thấy cái tâm, cái tình của ông chủ người Quảng Trị này sao mà mênh mông đến lạ. Họ chỉ chào và gọi ông bằng “chú, chú, anh, anh”. Giữa tổng giám đốc và nhân viên hầu như không có khoảng cách lớn. Những vướng mắc của anh em được ông Hiến giải quyết tại chỗ, kể cả chuyện cơm áo gạo tiền. Quản lý gần 500 công nhân, mỗi ngày tiếp không biết bao nhiêu đối tác nhưng trông ông Hiến lúc nào cũng thư thả, không có gì tất bật cả. Bởi theo ông, “Quan niệm sống của tôi là sống có mục đích, mỗi giờ, mỗi phút đều có kế hoạch của mình. Mục tiêu trước mắt là xây dựng và phát triển thương hiệu, phát triển các ngành hàng thành công, thu được nhiều lợi nhuận để từ đó trích ra một khoản hỗ trợ cộng đồng”. Ông Hiến kể lại rằng, ngay từ khi còn là sinh viên, ông đã thường dành những ngày nghỉ để đến các cô nhi viện làm từ thiện bằng cách dạy học miễn phí. Còn bây giờ thì thường xuyên tham gia các chương trình từ thiện như giúp đỡ sinh viên nghèo, trẻ em nghèo, những người tàn tật, người nhiễm chất độc da cam/dioxin, xây cầu bê tông ở đồng bằng sông Cửu Long… Ông Hiến Bidrico cũng là mạnh thường quân tích cực tài trợ cho chương trình “Tiếp sức đến trường” mà nhiều sinh viên Quảng Trị đã được thụ hưởng những năm qua.

Ngành sản xuất nước giải khát Việt Nam đã từng chứng kiến những câu chuyện buồn. Thương hiệu nước giải khát Chương Dương nổi tiếng sau một thời gian liên doanh với Coca Cola đã biến mất trên thương trường. Năm vừa qua thương hiệu Tribeco cũng bị nước ngoài thâu tóm. Thương trường như chiến trường, một cuộc chiến không khoan nhượng và sẽ không buông tha cho bất kỳ một ai nếu còn muốn đứng trên thương trường trong cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn đang xảy ra và ngày càng khó lường như hiện nay. Nhưng Bidrico thì dường như “miễn dịch” với cơn suy thoái kinh tế. Với việc Bidrico không những tồn tại mà còn liên tục phát triển bên những “gã khổng lồ” Coca Cola, Pepsi Cola đã cho thấy sự sáng suốt khi biết lựa chọn một lộ trình đúng đắn trên thương trường đầy cam go của doanh nhân Nguyễn Đặng Hiến. Bởi vậy năm 2012, ông Hiến đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác xây dựng và phát triển các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Tổng thư ký Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Chí Nguyện, tâm sự: “Nếu có thể, tôi sẽ phong tặng Bidrico danh hiệu “Anh hùng thầm lặng” không chỉ bởi những cống hiến không mệt mỏi cho cộng đồng mà còn bởi sức vươn mạnh mẽ của doanh nghiệp ngay trong những thời điểm khó khăn của nền kinh tế. Trong khi nhiều doanh nghiệp khác phải co cụm, thu hẹp hoặc ngừng sản xuất, thậm chí phá sản, Bidrico vẫn duy trì rất tốt mức tăng trưởng từ 20-30%/năm. Đây là một kỳ tích không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đạt được”.


Bài, ảnh: NGUYỄN ĐĂNG BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét